Tìm nội dung trên Blog

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

Phương pháp học tập thông minh VAK

ĐTC - Phương pháp học tập thông minh VAK

ĐTC- Phương pháp học tập thông minh VAK
"Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu." - Hồ Chí Minh
Phương pháp VAK là gì?
Nếu chúng ta bàn luận về phương pháp học tập, chúng ta sẽ có vô vàn phương pháp khác nhau tương ứng với mỗi cá nhân khác nhau, và khi chúng ta nói: "Phương pháp đó không phù hợp với tôi", nghĩa là chúng ta đã ít nhiều định hình và lựa chọn được cách học riêng cho bản thân mình. Vậy, có khi nào bạn tự tìm hiểu cụ thể hơn về cách học mà bạn đang áp dụng không? Nó có bất kỳ căn cứ khoa học nào hay chỉ đơn giản là bản năng của bạn? Hãy cùng ĐTC tìm hiểu về phương pháp học tập thông minh VAK để có câu trả lời cho chính mình nhé! 

Theo nghiên cứu của các giáo sư và các chuyên gia về NLP (Neuro-linguistic programming – Lập trình ngôn ngữ tư duy) tại Mỹ thì con người chúng ta học hỏi và tiếp nhận thông tin qua 05 giác quan gồm: thị giác (nhìn), thính giác (nghe), xúc giác (vận động, sờ chạm), vị giác (nếm) và khứu giác (ngửi). Trong 5 giác quan đó, có 3 cách tiếp nhận thông tin chính là:
V (Visual): Hình ảnh 
                  A (Auditory): Âm thanh
                                          K (Kinesthetic): Vận động

Tương ứng với 3 cách tiếp nhận này, quy định cách học của mỗi cá nhân. Khi hiểu được xu hướng tiếp nhận thông tin của bản thân là gì, chúng ta sẽ tìm ra được cách học phù hợp cho mình.

1. Phương cách học V - Visual (Hình ảnh)
Có hai xu hướng nhỏ hơn là: Ngôn ngữ và không gian. 
- Người theo hướng Hình ảnh – Ngôn ngữ thích học qua ngôn ngữ viết như đọc và viết. Họ nhớ dễ dàng những gì đã viết ra, thậm chí dù họ không đọc lại nó. Họ cũng dễ tập trung vào người nói hơn nếu người đó nhìn họ. 
- Người học theo kiểu Hình ảnh – Không gian thường gặp khó khăn hơn với ngôn ngữ viết và làm việc tốt hơn với biểu đồ, phim ảnh và các loại hình ảnh khác. Họ dễ dàng hình dung ra khuôn mặt và địa điểm bằng cách sử dụng trí tưởng tượng và ít khi bị sai lạc.
Gợi ý: Với những người học theo phương cách Visual, họ nên phát huy những hoạt động sau:
  • Sử dụng các biểu đồ, đồ thị, tranh minh họa hoặc các dụng cụ bổ trợ hình ảnh khác.
  • Sử dụng dàn ý, sơ đồ tư duy, khung chương trình,… hỗ trợ cho việc đọc và viết các ghi chú.
  • Sau buổi học đọc lại các nội dung trong các tài liệu đã được phát ra.
  • Ghi chú trong khi nghe giảng, đọc sách.
  • Chủ động đặt câu hỏi để giúp tập trung hơn trong môi trường ồn ào, sôi động.
  • Thêm các hình ảnh minh họa cho các bài viết bất cứ khi nào có thể.
  • Vẽ tranh ảnh bên lề sách, vở hoặc ghi chú.
  • Cố gắng hình dung, tưởng tượng ra chủ đề hoặc các vấn đề liên quan đến chủ đề đang thảo luận.
2. Phương cách học A - Auditory (Âm thanh)
Những người có khuynh hướng âm thanh thường thích truyền tải kiến thức thông qua nói và nghe và thường làm một công việc mới tốt nhất sau khi nghe hướng dẫn từ một chuyên gia. Đây là những người rất thoải mái với việc được nhận hướng dẫn bằng lời qua điện thoại và có thể nhớ được từ hoặc bài hát họ nghe.
Gợi ý: Người học theo phương cách Auditory cần áp dụng những điều sau để có kết quả tốt:
  • Bắt đầu với việc xem qua mình sẽ học gì? Rút ra kết luận hoặc tóm tắt những gì vừa học.
  • Sử dụng các hoạt động liên quan tới thính giác như tập kích não ( Brainstorming ) thảo luận nhóm.
  • Diễn đạt thành các câu hỏi.
  • Giao tiếp, thảo luận với nhiều giáo viên hoặc người khác.
  • Đặt ra các câu hỏi để xem xét càng nhiều khía cạnh của vấn đề càng tốt.
  • Tập nghe, luyện nghe thật nhiều.
3. Phương cách học K - Kinesthetic (Cảm xúc vận động)
Những người này có khuynh hướng thích các hoạt động: Sờ, cảm giác, cầm, nắm, di chuyển và những hoạt động vận động khác. Họ dễ mất tập trung nếu có ít hoặc không có các kích thích bên ngoài hoặc vận động. Những người này có thể làm một công việc mới tốt nhất khi tự tay thực hiện và học trong quá trình làm. Đây là những người thích thử nghiệm những cái mới và không bao giờ xem hướng dẫn trước.
Gợi ý: Người học theo hướng Kinesthetic nên áp dụng những hoạt động sau:
  • Sử dụng các động tác di chuyển lúc học.
  • Sử dụng các bút đánh dấu nhiều màu sắc để làm nổi bật từ khóa học trong bài học.
  • Có thứ gì đó để chơi với đôi tay. Ví dụ như các quả bóng nhỏ, cây bút.
  • Thỉnh thoảng nghỉ ngơi bằng các bài tập kéo giãn như vươn vai, hít thở…
  • Chuyển thông tin từ dạng văn bản sang phương tiện khác như bàn phím, vẽ…
  • Thực hành những gì đã học
Trong thực tế, phương pháp học thông minh và hiệu quả là sự kết hợp giữa cả ba phương cách trên. Tuy nhiên, sẽ phụ thuộc từng cá nhân mà có thể có những người có xu hướng rất mạnh về một phương pháp V hoặc A hoặc K, ngược lại có những người có phương pháp học là sự kết hợp giữa 2 và thậm chí 3 (rất ít) phương pháp.

Một khi bạn biết và lựa chọn đúng phương pháp của mình, bạn sẽ hiểu cách học phù hợp nhất cho bạn. Điều này giúp cho bạn nâng hiệu quả học tập của mình lên cao nhất. 
"Không có cách học đúng hay sai chỉ có cách học phù hợp với phương cách học của bạn nhất."
Xác định VAK như thế nào?
Vậy bạn là típ người như thế nào? hãy cùng ĐTC làm bài trắc nghiệm sau để biết bạn phù hợp với phương pháp học tập như thế nào nhé:
1. Khi tôi sử dụng một thiết bị mới, tôi thường:
a. Đọc hướng dẫn sử dụng trước.
b. Nghe hướng dẫn từ một ai đó đã từng sử dụng rồi.
c. Cứ thử sử dụng, tôi sẽ biết cách sử dụng nó như thế nào.

2. Khi cần tìm đường đi, tôi thường:
a. Xem bản đồ.
b. Hỏi ai đó đường đi.
c. Đi theo linh cảm của bản thân, hay có thể sử dụng một cái la bàn.

3. Khi thử nấu một món ăn mới, tôi thường:
a. Làm theo công thức nấu đã được viết sẵn.
b. Gọi cho một người bạn nào đó và nhờ hướng dẫn.
c. Làm theo bản năng và tự thử nghiệm trong lúc nấu.

4. Nếu tôi phải dạy người khác một cái gì đó mới, tôi thường:
a. Ghi rõ hướng dẫn cho họ.
b. Hướng dẫn họ bằng lời nói.
c. Làm mẫu cho họ trước, sau đó để họ làm theo.

5. Tôi thường hay nói:
a. “Hãy xem tôi làm”.
b. “Hãy nghe tôi hướng dẫn”.
c. “Bạn cứ làm thử đi”.

6. Khi có thời gian rảnh rỗi, tôi thường:
a. Đi đến viện bảo tàng hay phòng tranh.
b. Nghe nhạc hay nói chuyện phiếm với bạn bè.
c. Chơi thể thao hay tự tay sửa chữa đồ đạc trong nhà.

7. Khi đi mua sắm, tôi thường:
a. Tưởng tượng bộ quần áo mình muốn mua sẽ trông như thế nào.
b. Tham khảo ý kiến với người bán hàng.
c. Mặc thử xem như thế nào.

8. Khi tôi lựa chọn cho kỳ nghỉ, tôi thường:
a. Đọc nhiều tờ rơi quảng cáo.
b. Nghe những gợi ý của bạn bè.
c. Tưởng tượng khi mình tới những nơi đó sẽ như thế nào.

9. Khi tôi muốn mua một chiếc xe mới, tôi thường:
a. Đọc nhận xét trên các báo và tạp chí.
b. Trao đổi những yêu cầu của mình với bạn bè.
c. Thử chạy nhiều loại xe khác nhau trước khi quyết định mua.

10. Khi tôi học một kỹ năng mới, tôi thường:
a. Quan sát những gì giáo viên làm.
b. Thảo luận kỹ càng với giáo viên những thứ mà mình phải làm.
c. Tự mình làm thử và học hỏi trong quá trình làm.

11. Khi chọn một món ăn từ thực đơn, tôi thường:
a. Tưởng tượng thức ăn khi mang ra sẽ trông như thế nào.
b. Tự trao đổi với bản thân (hoặc với người bạn nếu đang đi cùng) nên chọn món ăn nào.
c. Tưởng tượng thức ăn khi mang ra sẽ có mùi vị như thế nào.

12. Trong quá trình học, tôi thích giáo viên:
a. Dùng nhiều sơ đồ, hình ảnh minh họa.
b. Giải thích kỹ càng bằng nhiều cách khác nhau.
c. Hướng dẫn cho các học viên tự làm để rút ra bài học.

13. Khi tôi nghe một ban nhạc chơi, tôi thường:
a. Quan sát các thành viên trong ban nhạc cũng như các khán giả.
b. Lắng nghe lời bài hát và điệu nhạc.
c. Thả mình và nhảy múa theo điệu nhạc.

14. Khi tôi tập trung, tôi thường:
a. Tập trung vào các từ ngữ và hình ảnh trước mắt mình.
b. Tự thảo luận các vấn đề và giải pháp khả thi trong đầu mình.
c. Đi tới đi lui, quay bút hay bấm đầu bút, nhịp chân, hay làm một cái gì đó.

15. Tôi thường chọn sản phẩm nội thất hoặc gia dụng dựa trên:
a. Màu sắc và vóc dáng của chúng.
b. Những thông tin mà người bán hàng đưa.
c. Chất liệu của sản phẩm và cảm giác khi sờ vào.

16. Khi bồn chồn lo lắng, tôi thường:
a. Tưởng tượng tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
b. Tự nói với mình về điều khiến mình lo nhất.
c. Không ngồi yên được, phải đứng ngồi hoặc di chuyển liên tục.

17. Tôi thường có cảm tình với người khác bởi:
a. Vẻ ngoài của họ.
b. Những lời họ nói với mình.
c. Họ làm mình cảm thấy ra sao.

18. Khi phải ôn tập cho một kỳ thi, tôi thường:
a. Viết ra nhiều giấy nháp ôn bài, hoặc vẽ biểu đồ tóm tắt.
b. Tự trao đổi với bản thân hoặc học theo nhóm, trao đổi với bạn bè.
c. Đi tới đi lui, liên tưởng đến các công thức qua các cử chỉ tay chân.

19. Trong lớp học, tôi hay bị mất tập trung khi:
a. Thấy một cái gì đó ngoài cửa sổ.
b. Nghe thấy một tiếng động gì đó.
c. Ngồi yên quá lâu.

20. Khi giải thích cho ai một điều gì đó, tôi thường:
a. Cho người đó xem ý của mình là gì.
b. Giải thích nhiều cách khác nhau cho đến khi họ hiểu.
c. Khuyến khích họ thử và giải thích trong lúc họ đang làm.

21. Tôi rất thích:
a. Xem phim, chụp ảnh, ngắm các tác phẩm nghệ thuật hoặc ngắm người đẹp.
b. Nghe nhạc, radio hay nói chuyện với bạn bè.
c. Tham gia các hoạt động thể thao, khiêu vũ hoặc thưởng thức món ăn, thức uống ngon.

22. Trong một hành trình dài, tôi thường:
a. Ngắm cảnh ngoài cửa sổ hay đọc sách, báo, tạp chí.
b. Nghe nhạc hoặc nói chuyện với những người ngồi cùng chuyến.
c. Mong đợi được tới các trạm dừng để có thể đi lại cho thoải mái.

23. Trong những lúc rãnh rỗi, tôi thích:
a. Xem tivi.
b. Trò chuyện với bạn bè.
c. Tham gia các hoạt động hoặc có việc gì đó để làm.

24. Khi tôi làm quen với một người, tôi thường:
a. Sắp xếp gặp mặt trực tiếp.
b. Nói chuyện với họ qua điện thoại.
c. Sắp xếp tham gia chung một hoạt động gì đó để làm quen nhau.

25. Tôi thường để ý người khác:
a. Qua cách họ ăn mặc và vẻ bề ngoài như thế nào.
b. Qua cách họ nói chuyện như thế nào.
c. Qua cách họ đi đứng như thế nào.

26. Khi tức giận, tôi thường:
a. Liên tục hồi tưởng lại trong đầu điều gì đã khiến mình không vui.
b. Lên tiếng cho mọi người biết mình cảm thấy như thế nào.
c. Đạp bàn ghế, đạp cửa hoặc các hành động khác để trút cơn giận.

27. Tôi thấy mình có khả năng nhớ tốt:
a. Khuôn mặt người khác.
b. Tên người khác.
c. Những việc tôi đã làm.

28. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể biết ai đó đang nói dối khi:
a. Họ tránh nhìn mình.
b. Họ thay đổi giọng nói.
c. Họ biểu lộ những cử chỉ lạ.

29. Khi tôi gặp lại một người bạn cũ:
a. Tôi thường nói: “Lâu rồi không gặp bạn!”
b. Tôi thường nói: “Lâu rồi không nghe tin gì của bạn!”
c. Tôi thường ôm, bắt tay hay khoác vai người đó.

30. Tôi có khả năng nhớ tốt nhất khi:
a. Viết ghi chú, hoặc giữ lại những tài liệu đã được in ra hay ghi chép cẩn thận.
b. Đọc to hoặc lặp đi lặp lại từ ngữ, các ý chính trong đầu mình.
c. Làm và luyện tập các hoạt động, hoặc tưởng tượng những điều đó được làm như thế nào.

31. Nếu phải phản ánh về những sản phẩm có lỗi, tôi sẽ làm bằng cách:
a. Viết một lá thư phản ánh.
b. Phản ánh qua điện thoại.
c. Gửi trả sản phẩm lại công ty.

32. Tôi thường nói:
a. Tôi thấy ý của bạn là gì rồi.
b. Tôi nghe bạn nói gì rồi.
c. Tôi biết bạn cảm thấy như thế nào.

Hãy thời gian để trả lời các câu hỏi trên, sau đó kiểm tra Kết quả trắc nghiệm VAK của bạn.
  • Nếu bạn chọn nhiều kết quả A nhất, nghĩa là bạn có phương pháp học bằng “Hình ảnh” (Visual) nổi trội nhất.
  • Nếu bạn chọn nhiều kết quả B nhất, nghĩa là bạn có phương pháp học bằng “Âm thanh” (Auditory) nổi trội nhất.
  • Nếu bạn chọn nhiều kết quả C nhất, nghĩa là bạn có phương pháp học bằng “Vận động” (Kinesthetic) nổi trội nhất.
Hãy tìm ra cách học tập tốt nhất cho mình, để việc học tập trở nên hiệu quả hơn, kiến thức và giá trị của mỗi chúng ta tăng nhanh hơn với cùng 1 khoảng thời gian học tập. Với cá nhân tôi tôi thiên về phương pháp V và A. Đôi khi tôi cũng thích cà phương pháp K nữa. Nếu bạn theo dõi các Video trong các khóa học của tôi trên trên Youtbe (MPV Channel) thì sẽ nhận ra điều này.
Chúc bạn sớm tìm ra phương pháp học tập thông minh cho mình theo VAK!
>>> Học thêm kiến thức từ những cuốn sách hay: KHÁM PHÁ

Google Account Video Purchases Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Gửi câu hỏi cho ĐTC

Tên

Email *

Thông báo *

THIẾT KẾ, THI CÔNG LẮP ĐẶT NHÀ THÔNG MINH LUMI