ĐTC - Hỏi đáp các vấn đề trong lĩnh vực xây dựng
Trong lĩnh vực xây dựng cũng như quản lý dự án xây dựng có rất nhiều tình huống cần giải quyết xử lý. Đặc biệt các vấn đề liên quan tới luật (Xem thêm: TỔNG HỢP NHỮNG VĂN BẢN HƯỚNG DẪN LUẬT XÂY DỰNG 2014)
Trong bài viết này ĐTC sẽ tập hợp các tình huống, các vấn đề xảy ra trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, quản lý dự án các công trình xây dựng để chúng ta cùng tìm hiểu, nghiên cứu và thảo luận.
A - ĐẤU THẦU
1/ Quy định về giảm giá trong đấu thầu
"Một nhà thầu có giá trúng thầu sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá là 24 tỷ đồng. Trong đó, giá dự thầu chưa giảm giá là 24,5 tỷ đồng và giá trị giảm giá nhà thầu đề xuất là 500 triệu đồng (đề xuất giảm giá cho tất cả các hạng mục)."
Ông Bùi Xuân Quang (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị được giải thích trường hợp sau:
Một nhà thầu có giá trúng thầu sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá là 24 tỷ đồng. Trong đó, giá dự thầu chưa giảm giá là 24,5 tỷ đồng và giá trị giảm giá nhà thầu đề xuất là 500 triệu đồng (đề xuất giảm giá cho tất cả các hạng mục). Khi thương thảo hợp đồng, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu tính toán lại toàn bộ đơn giá các đầu mục công việc sau khi đã phân bổ lại giá trị giảm giá.
Vậy, yêu cầu của chủ đầu tư như trên có hợp lý không? Giá trị giảm giá trong thư giảm giá là cố định hay thay đổi?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Trường hợp nhà thầu có thư giảm giá 500 triệu đồng thì giá trị giảm giá này là cố định không thay đổi.
Giá đề nghị trúng thầu là giá dự thầu của nhà thầu được đề nghị trúng thầu sau khi đã được sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, trừ đi giá trị giảm giá theo quy định tại Khoản 19, Điều 4 Luật Đấu thầu và là căn cứ để hai bên tiến hành ký kết hợp đồng.
Trường hợp nhà thầu không nêu rõ cách thức giảm giá thì được hiểu là giảm đều theo tỷ lệ cho tất cả các hạng mục.
2/ Gói thầu không đủ 3 nhà thầu tham dự, xử lý thế nào?
"Ông Nguyễn Tấn Bồng hỏi: Trường hợp tại thời điểm đóng thầu có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu thì phải xem xét, giải quyết như thế nào?"
Ông Nguyễn Tấn Bồng (An Giang) tham khảo Khoản 4, Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, thấy có quy định "Trường hợp tại thời điểm đóng thầu đối với gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thì phải xem xét, giải quyết trong thời hạn không quá 4 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu theo một trong hai cách sau đây:
a) Cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Trong trường hợp này phải quy định rõ thời điểm đóng thầu mới và các thời hạn tương ứng để nhà thầu có đủ thời gian sửa đổi hoặc bổ sung hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đã nộp theo yêu cầu mới;
b) Cho phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá".
Ông Bồng hỏi, trường hợp đã chọn phương án (b) thì bên mời thầu cần phải làm những công việc gì? Chủ đầu tư có phải xin ý kiến người quyết định đầu tư không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, đối với trường hợp của ông Bồng hỏi, căn cứ quy mô, tính chất, tình hình cụ thể của gói thầu mà chủ đầu tư có thể quyết định xử lý tình huống theo một trong hai cách như ông nêu trên.
Trường hợp đã chọn phương án (b) thì bên mời thầu tiến hành mở thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
3/ Gói thầu nào không cần tiêu chuẩn đánh giá nhà thầu?
"Bạn đọc công tác tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Quảng Ninh. Đơn vị bạn đọc đang chuẩn bị tổ chức chào hàng cạnh tranh gói mua sắm hàng hóa, giá gói thầu 1,3 tỷ đồng. Bạn đọc hỏi, theo Thông tư số 11/2015/TT - BKHĐT gói thầu của đơn vị của bạn đọc không quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm trong hồ sơ yêu cầu có được không?"
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Theo hướng dẫn tại Mục 2, Chương II của Mẫu hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh mua sắm hàng hóa (Mẫu số 04) ban hành kèm theo Thông tư số 11/2015/TT - BKHĐT ngày 27/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với những gói thầu đơn giản, có giá trị nhỏ, bên mời thầu có thể không quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm mà chỉ cần yêu cầu nhà thầu nộp bản cam kết theo Mẫu số 08, Chương III - Biểu mẫu để chứng minh nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm cung cấp hàng hóa đáp ứng yêu cầu nêu trong hồ sơ yêu cầu.
Đối với câu hỏi của bạn đọc, việc lập hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh gói thầu mua sắm hàng hóa được thực hiện theo quy định nêu trên.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm phê duyệt hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 74 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
4. Nhà thầu có được thay đổi xuất xứ hàng hóa?
Bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn tình huống trong đấu thầu như sau:
"Một nhà thầu ký hợp đồng và đã hoàn tất việc cung cấp thiết bị cho gói thầu. Tuy nhiên, khi thanh tra, kiểm tra thì thiết bị cung cấp có cấu hình cao hơn hợp đồng nhưng khác xuất xứ so với hợp đồng. Trong khi đó, biên bản nghiệm thu thì giống các thông số và xuất xứ của thiết bị được ghi trong hợp đồng đã ký giữa nhà thầu và chủ đầu tư."
Việc thay đổi cấu hình và xuất xứ không có biên bản hay giấy tờ chứng minh việc được chủ đầu tư chấp nhận hay được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bạn đọc hỏi, trường hợp nêu trên có vi phạm Luật Đấu thầu không? Nhà thầu sai hay chủ đầu tư sai? Trường hợp nhà thầu sai thì chủ đầu tư hay đơn vị tư vấn liên đới trách nhiệm như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Khoản 3, Điều 63 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định, khi có sự thay đổi các nội dung thuộc phạm vi của hợp đồng, các bên phải ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng.
Theo đó, trường hợp nhà thầu thay đổi xuất xứ của hàng hóa cung cấp cho gói thầu thì chủ đầu tư phải xem xét, đánh giá hàng hóa này có đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu hay không, chất lượng và giá… thay đổi thế nào so hàng hóa mà nhà thầu đã đề xuất trước đó để xác định có chấp nhận hay không sự thay đổi xuất xứ.
Việc nhà thầu cung cấp hàng hóa có xuất xứ khác với quy định trong hợp đồng và được chủ đầu tư chấp thuận mà không cân nhắc các yếu tố nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật đấu thầu.
B - HỢP ĐỒNG THI CÔNG XÂY LẮP
1. Điều chỉnh giá hợp đồng trong xây dựng được quy định như thế nào?
"Tôi đang làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Tôi muốn hỏi hiện nay pháp luật quy định như thể nào về việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng?"
Trả lời:
Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng đã thay thế Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng, theo đó đối với các hợp đồng trọn gói thực hiện theo quy định của Nghị định số 48/2010/NĐ-CP thì chỉ được điều chỉnh hợp đồng cho những khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi hợp đồng đã ký kết, không được điều chỉnh giá hợp đồng khi Nhà nước thay đổi về cơ chế, chính sách tiền lương, giá vật liệu…
Trường hợp tiến độ thực hiện hợp đồng bị kéo dài không do lỗi của nhà thầu gây ra (chậm giải phóng mặt bằng không phải lỗi nhà thầu, ngân sách không bố trí vốn kịp thời) thì các bên có thể thương thảo, đàm phán điều chỉnh giá đối với những khối lượng công việc thực hiện trong khoảng thời gian tiến độ bị kéo dài (thời gian gia hạn thêm) trên nguyên tắc bảo đảm sự công bằng về quyền lợi của các bên.
2. Đơn giá cho khối lượng công việc bổ sung hợp lý ngoài hợp đồng
Theo Thông tư số 07/2016/TT-BXD. Điều 5. Điều chỉnh giá đối với hợp đồng trọn gói
1. Khi phát sinh khối lượng công việc bổ sung hợp lý ngoài phạm vi hợp đồng hoặc khi bổ sung khối lượng công việc hợp lý chưa có đơn giá trong hợp đồng, thì các bên tham gia hợp đồng thống nhất đơn giá công việc này trước khi thực hiện. Việc xác định đơn giá mới theo nguyên tắc thỏa thuận trong hợp đồng về đơn giá cho khối lượng công việc phát sinh, bổ sung ngoài phạm vi hợp đồng; khối lượng chưa có đơn giá trong hợp đồng. Đơn giá mới được xác định theo Thông tư hướng dẫn về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của Bộ Xây dựng và các thỏa thuận trong hợp đồng.
2. Đối với hợp đồng thi công xây dựng có những công trình, hạng mục công trình, công việc không phải thực hiện trong hồ sơ thiết kế kèm theo hợp đồng đã ký: áp dụng đơn giá trong hợp đồng để điều chỉnh giảm giá hợp đồng. Khi ký hợp đồng trọn gói, các bên cần có bảng đơn giá kèm theo để thuận lợi cho việc điều chỉnh giảm, và bảng đơn giá này chỉ dùng để điều chỉnh giá đối với khối lượng không thực hiện trong hợp đồng.
"Vậy cho tôi hỏi, đơn giá cho khối lượng công việc bổ sung hợp lý ngoài hợp đồng lấy theo đơn giá đã có trong hợp đồng hay phải lập đơn giá mới tại thời điểm phát sinh. Khi phát sinh khối lượng Nhà thầu và Chủ đầu tư thỏa thuận lập đơn giá mới cho khối lượng phát sinh bổ sung đó nhưng ra Kho bạc họ lại yêu cầu là lấy theo đơn giá trong hợp đồng như vậy đúng hay sai?"
Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế xây dựng có ý kiến như sau:
Đơn giá cho khối lượng công việc bổ sung hợp lý ngoài hợp đồng được xác định theo Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng.
Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm soát, cấp phát, cho vay vốn, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan có liên quan khác thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình theo Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
3. Điều chỉnh giá hợp đồng thi công xây dựng đối với hợp đồng theo hình thức hợp đồng trọn gói
"Hiện tôi đang quản lý hợp đồng xây lắp loại hợp đồng là hợp đồng trọn gói có một số vướng mắc sau:Trong quá trình thực hiện Đơn vị tư vấn thiết kế bóc dự toán thiếu khối lượng so với bản vẽ thiết kế thi công dẫn đến lập hồ sơ mời thầu thiếu khối lượng. Vậy khối lượng thiếu so với bản vẽ thiết kế thi công có được điều chỉnh, phát sinh hay không? Phần thi công cầu dàn thép thì trong dự toán tính theo mét dài (theo báo giá của đơn vị chuyên cung cấp cầu dàn thép) nhưng trong bản vẽ thiết kế thi công thiếu một số chi tiết. Vậy khối lượng thiếu một số chi tiết có được điều chỉnh, phát sinh hay không?"
Sau khi nghiên cứu, Vụ Kinh tế xây dựng có ý kiến như sau:
Căn cứ Khoản 2, Điều 37, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, việc điều chỉnh khối lượng công việc trong hợp đồng xây dựng được quy định như sau: Đối với hợp đồng trọn gói, trường hợp có phát sinh hợp lý những công việc ngoài phạm vi hợp đồng đã ký (đối với hợp đồng thi công xây dựng, hợp đồng cung cấp thiết bị là nằm ngoài phạm vi công việc phải thực hiện theo thiết kế; đối với hợp đồng tư vấn là nằm ngoài nhiệm vụ tư vấn phải thực hiện). Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, đối với hợp đồng thi công xây dựng theo hình thức hợp đồng trọn gói chỉ được điều chỉnh giá hợp đồng đối với những khối lượng công việc bổ sung nằm ngoài phạm vị phải thực hiện của thiết kế kèm theo hợp đồng; hoặc những công trình, hạng mục công trình, công việc không phải thực hiện của thiết kế kèm theo hợp đồng.
Căn cứ vào quy định trên, khối lượng do đơn vị tư vấn bóc dự toán thiếu so với bản vẽ thiết kế thi công, không được điều chỉnh phát sinh trong hợp đồng thi công xây dựng theo hình thức hợp đồng trọn gói đã được ký kết giữa các bên.
C - KINH TẾ XÂY DỰNG
1. Áp dụng định mức bốc xếp vận chuyển vật liệu lên cao
"Theo mục 3 phần thuyết minh định mức 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 có viết “Các loại công tác xây dựng trong định mức không ghi độ cao như công tác trát, láng, ốp, v.v… nhưng khi thi công ở độ cao >16m thì sử dụng định mức bốc xếp vận chuyển vật liệu lên cao”.Mặt khác theo định mức 588/QĐ-BXD ngày 29/05/2014 tại mục 3 hướng dẫn sử dụng có viết “Các loại công tác xây dựng trong định mức không ghi độ cao như công tác trát, láng, ốp, v.v... nhưng khi thi công ở độ cao ≤ 16m; ≤ 50m và >50m được áp dụng định mức bốc xếp vận chuyển vật liệu lên cao”.Như vậy theo định mức 588 thì thi công ở bất kỳ độ cao nào cũng được áp dụng định mức vận chuyển lên cao có đúng không?"
Về vấn đề này, Vụ Kinh tế xây dựng trả lời như sau:
Căn cứ Mục 3, Thuyết minh áp dụng và hướng dẫn sử dụng định mức dự toán xây dựng công trình – phần xây dựng (sửa đổi bổ sung) Ban hành kèm theo Quyết định số 588/QĐ-BXD ngày 29/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc Công bố Định mức dự toán xây dựng công trình Phần xây dựng (sửa đổi và bổ sung), chiều cao ghi trong định mức dự toán được áp dụng định mức bốc xếp vận chuyển vật liệu lên cao từ cốt +4m trở lên, tính từ cốt ±0.00 theo thiết kế.
----------------
UPdating>>> Đánh dấu bài để theo dõi nội dung bạn nhé, vì tôi sẽ cập nhật thường xuyên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét